Trường tiểu học Ma Thì Hồ được thành lập vào ngày 01 tháng 07 năm 2007 đến ngày 10 tháng 7 năm 2014 đổi tên thành Trường PTDTBT Tiểu học Ma Thì Hồ theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà; Từ tháng 6/2020 sáp nhập Trường tiểu học Huổi Quang và Trường PTDTBT tiểu học Ma Thì Hồ thành trường PTDTBT tiểu học Ma Thì Hồ theo Quyết định số 3900/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của Chủ tịch UBND huyện Mường Chà. Trường thuộc xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là một xã vùng cao biên giới, giáp danh với nước bạn Lào có nền kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, dân trí còn thấp, khu vực có tới hơn 99% người dân tộc thiểu số Hmông sinh sống, tình hình an ninh chính trị cũng có diễn biến khá phức tạp. Song, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, trực tiếp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cán bộ quản lý qua các thời kỳ thì cho đến nay nhà trường đã gặt hái được khá nhiều những thành tích nhất định. Để đạt được những thành tích đó, trong đó không thể không kể đến việc xây dựng văn hóa học đường trong những năm qua đã góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ phát triển toàn diện, nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, có lương tâm trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Đặc biệt, hiện nay bộ GD&ĐT đang triển khai chương trình GDPT 2018, trong đó có nội dung modul 6 “Xây dựng văn hóa nhà trường”. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm luôn được nhà trường quan tâm trú trọng.
1. Những vấn đề về văn hóa học đường
Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có những giá trị văn hóa; chẳng hạn như: văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng sử, giao tiếp..., và văn hóa học đường.
Văn hóa học đường lành mạnh giúp các thành viên trong nhà trường chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và kiến thức, phát triển khả năng hợp tác giữa các thành viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Từ đó, tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên trong nhà trường quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hoạt động vì sự phát triển chung của nhà trường.
Nội dung của văn hóa học đường rất phong phú, song có thể tóm tắt thành một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất là cơ sở vật chất phải đảm bảo đúng theo quy định mới tạo ra được môi trường văn hóa.
Thứ hai là xây dựng môi trường giáo dục, tạo ra nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả...
Nói tóm lại, văn hóa học đường là những nét đẹp trong toàn bộ môi trường sư phạm: từ môi trường cơ sở vật chất, môi trường quan hệ, môi trường công việc. Những nét đẹp đó được thể hiện trong hành vi của thầy, của trò, của cán bộ quản lý và nhân viên trong nhà trường.
2. Một số kết quả đạt được trong xây dựng văn hóa học đường tại trường PTDTBT tiểu học Ma Thì Hồ
Trước hết là những hoạt động nhằm giữ gìn, bảo vệ, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Trường PTDTBT tiểu học Ma Thì Hồ là một ngôi trường được xây dựng khá khang trang, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Từ phòng học và các thiết bị sử dụng cho học tập, tới phòng thư viện,… đều được bảo quản và sử dụng hiệu quả phục vụ cho việc dạy và học tại trường.
|
|
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh và giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường xung quanh. Chính vì vậy, trường được công nhận trường Xanh - Sạch - Đẹp và cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa hằng năm.
- Trường có khuôn viên thoáng đãng, cây cảnh được quy hoạch đảm bảo thoáng mát, luôn sạch đẹp.
- Trường có đủ cơ sở vật chất đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường. Tất cả các phòng học đều được kiên cố hóa, thoáng mát và ánh sáng đầy đủ theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, có tường rào bảo vệ an toàn.
- Trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh về việc bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn trong đó: Nhà trường thực hiện các phong trào xanh hóa lớp học nhằm làm cho khuôn viên nhà trường thêm sạch đẹp và nhằm giáo dục các học sinh luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Thứ hai là xây dựng môi trường giáo dục, tạo ra nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả...
Phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được phát động nhằm "thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả". Đây là nội dung rất cơ bản của văn hóa học đường. Tác dụng tích cực của văn hóa học đường là xây dựng nhân cách cho học sinh, chống lại lối sống tiêu cực. Chính vì thế, bên cạnh chú trọng việc học tập, nhà trường luôn quan tâm tạo điều kiện cho các em học sinh có một sân chơi thật sự bổ ích sau giờ học căng thẳng.
Cụ thể, các em học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động vui tươi, lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền, đặc trưng. Xây dựng nếp sống văn minh và rèn luyện những kĩ năng sống cần thiết. Cụ thể:
Trường đã đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi giải trí của học sinh tại trường như:
- Tổ chức các hội thi thể thao cấp trường nhằm nâng cao việc rèn luyện sức khỏe và giải trí sau những ngày học tập căng thẳng. Các môn được tổ chức như: kéo co, nhảy bao bố, ném Pao, cầu lông, bóng đá mini, đẩy gậy, chạy, nhảy xa….Thu hút được sự quan tâm đông đảo của hoc sinh toàn trường.
- Hàng năm trường tổ chức thi văn nghệ, đưa các loại hình văn nghệ vào nhà trường như: Kể chuyện, kịch, múa, hát, nhảy dân vũ….
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền giao thông, pháp luật, tác hại của ma túy, thuốc lá, rượu bia và cách phòng chống, tình hình an ninh trật tự cho học sinh trong nhà trường.
- Tổ chức các buổi nói chuyện sinh hoạt nhằm giáo dục giới tính, kịp thời uốn nắn các em hiểu đúng và làm đúng.
- Tổ chức các buổi tọa đàm "Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe" nhằm giúp các em giãi bày tâm sự chia sẻ kinh nghiệm sống với nhau. Lồng ghép những nội dung nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử bạn bè trong tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Thứ ba, nhà trường luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp văn minh trong nhà trường trên tinh thần tôn sư trọng đạo, tiên học lễ, hậu học văn làm cho học sinh ngoan ngoãn, lễ phép, nền nếp, kính trên, nhường dưới…
Thực chất, giáo dục văn hóa học đường là tạo ra những nét đẹp trong hành vi của học sinh đối với các mối quan hệ thầy trò, bạn bè và môi trường xung quanh. Ví dụ: thầy giáo thì phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái…, đối với học trò phải hết lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo…, phải giữ gìn sự trong sạch của cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Học sinh thì không được kiêu căng, tự cao, tự đại mà phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn…, đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn…, đối với bạn cùng trường, cùng lớp phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới…
* Một số thành tích nổi bật:
- Trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 theo quyết định 635/QĐ-UBND tỉnh Điện Biên ngày 29/04/2021 và được công nhận và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2 theo quyết định số 1841/QĐ-SGDĐT tỉnh Điện Biên ngày 20/04/2021, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, Xóa mù chữ mức độ 2.
- Trường học đạt cơ quan văn hóa, cơ quan an toàn về an ninh trật tự, không ma túy, không khói thuốc, Xanh - Sạch - Đẹp.
- Năm học 2017-2018 được UBND tặng cờ thi đua. Nhiều năm liền đạt tập thể lao động xuất sắc được UBND tỉnh, UBND huyện tặng bằng khen, giấy khen
3. Một số giải pháp xây dựng văn hóa học đường tại Trường PTDTBT tiểu học Ma Thì Hồ
3.1. Xây dựng hệ giá trị làm chuẩn mực để lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của trường
Việc làm này là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, làm cho học sinh nhận thức được trường học, nơi mình học tập trở thành nơi phấn đấu, rèn luyện; nơi phụ huynh luôn yên tâm về một môi trường đào tạo vừa hồng vừa chuyên. Nhà trường ban hành nội quy đơn vị, nội quy HS, quy chế văn hóa học đường một cách rõ ràng, có tính khả thi cao, đặc biệt có cam kết của GV, Đoàn thể, các bộ phận, HS, cha mẹ học sinh… và có kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
Ngoài ra, nhà trường gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống, lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động phong trào, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia: về nguồn, tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao, các cuộc thi, phong trào do nhà trường, phòng GD&ĐT phát động.
3.2. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả
Môi trường giáo dục phải xây dựng thật trong lành, văn hóa. Văn hóa thể hiện ở hành động, cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của CB-GV-NV và HS. Môi trường xung quanh học đường là ý thức của mọi người khi bỏ rác đúng nơi quy định, không vẽ bậy lên tường, bàn học; không hút thuốc lá trong trường học, không nói tục, chửi bậy... Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ đó chính là nền tảng hình thành chuẩn mực đạo đức ban đầu của mỗi một con người.
Văn hóa học đường chính là văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của CB-GV-NV và học sinh. CB-GV-NV phải là tấm gương tốt cho học sinh noi theo, phải xây dựng mối quan hệ tốt giữa thầy và trò một cách đúng mực, nghiêm túc, thân mật, giản dị và chân thành. CB-GV-NV phải xác định đúng vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc dạy chữ và dạy người, có ý thức trau dồi chuyên môn, làm cho học sinh thấy được cái hay, cái đẹp trong kiến thức được lĩnh hội, truyền cho các em niềm say mê trong học tập, phát huy tính tích cực, tự giác làm cho các em trân trọng, yêu quý công việc của mình.
Nhà trường phải phát động những phong trào thi đua, văn hóa văn nghệ, thể thao, hoạt động ngoại khóa,… để trong suy nghĩ của HS "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui"
3.3. Phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục văn hóa học đường
Gia đình là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, là nơi định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách của học sinh. Gia đình cũng là nơi gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường thể hiện trong việc thường xuyên có sự trao đổi từ hai phía. Nhà trường thông báo kết quả học tập văn hóa, đạo đức của học sinh cho gia đình. Gia đình cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, trình bày rõ tính cách, năng lực của học sinh tạo điều kiện để nhà trường có biện pháp giáo dục, quản lý. Gia đình cũng phải chu cấp đầy đủ về vật chất, quan tâm, động viên các em cố gắng học tập, rèn luyện. Thực tế cho thấy, khá nhiều gia đình do bận mải mà bỏ bê không quan tâm đến con cái, phó mặc cho nhà trường. Cần khẳng định rằng trách nhiệm giáo dục con cái phải được bắt đầu từ gia đình và không một chính sách giáo dục nào có thể thay thế được sự chăm lo, săn sóc của bố mẹ đối với các em.
Về mặt xã hội, chính quyền địa phương, các đoàn thể tổ chức xã hội, lối xóm nơi có học sinh ở phải thường xuyên kiểm tra nếp sống văn hóa, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở hiện tượng các em đi khuya về muộn, để kịp thời thông báo với nhà trường có biện pháp giáo dục các em. Hạn chế những tụ điểm ăn chơi, hàng quán chung quanh địa bàn các trường học.
Một môi trường văn hóa học đường được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sức đề kháng với những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng.
Xây dựng văn hóa học đường là xây dựng nề nếp, kỉ cương, dân chủ trong các hoạt động ở nhà trường, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy - trò, trò - trò, thầy - thầy theo các chuẩn mực chung của văn hóa và các quy định riêng của ngành giáo dục, nhằm hướng tới một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và sự phát triển bền vững./.